CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
PHÒNG KINH DOANH
PHÒNG KỸ THUẬT

CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
PHÒNG KINH DOANH
PHÒNG KỸ THUẬT
Người có tướng tài: tai to, trán rộng. Ánh mắt ông rất cương nghị. Nhà mình vẫn đang còn lát gạch bông Đời Tân của bác Tấn Đời. 50 năm vẫn đẹp và sang.
Từ tay trắng ông trở thành tỷ phú, trở thành “ông trùm” cao ốc, “ông vua” ngân hàng miền Nam. Tuy nhiên, do “vua” không chiều lòng Tổng thống nên ông bị Nguyễn Văn Thiệu vô cớ tống giam và niêm phong toàn bộ tài sản tại Sài Gòn. Gần 1 tỷ tiền của Việt Nam Cộng hòa gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ cũng bị lấy sạch.
Ra tù với hai bàn tay trắng, ông lang thang vạ vật tìm đường sang Canada. Tại đây, cũng từ tay trắng, một lần nữa ông trở thành tỷ phú với hàng loạt cửa hàng ăn uống tại Canada và Mỹ. Ông là Nguyễn Tấn Đời – một “hiện tượng” của xã hội miền Nam giai đoạn 1954 – 1975.
Vua gạch ngói Nam kỳ
Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông nội Nguyễn Tấn Đời là một trong những người giàu có và tiếng tăm ở làng Bình Hòa thời bấy giờ. Vì vậy, từ nhỏ Nguyễn Tấn Đời được gia đình cho ăn học khá đàng hoàng.
Tỷ phú Nguyễn Tấn Đời.
Có một chi tiết thú vị là thời gian ở Long Xuyên, Nguyễn Tấn Đời vừa học vừa lùa bò thuê cho Nguyễn Ngọc Thơ. Khi đó Nguyễn Ngọc Thơ (sau này là Phó Tổng thống dưới thời Ngô Đình Diệm) đang làm quận trưởng Châu Thành, Long Xuyên kiêm luôn lái buôn… trâu bò từ Campuchia về Long Xuyên.
Năm 1945, Nguyễn Tấn Đời lên Sài Gòn theo học bậc cao đẳng tiểu học. Cách mạng Tháng Tám diễn ra, Nguyễn Tấn Đời tham gia lực lượng Việt Minh tại Sài Gòn, sau đó ông trở lại Long Xuyên. Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, Nguyễn Tấn Đời gặp lại Nguyễn Ngọc Thơ lúc này đang là Phó tỉnh trưởng Long Xuyên. Ông ta dọa Nguyễn Tấn Đời rằng ai đã đi theo Việt Minh mà bỏ về sẽ bị Việt Minh lên án xử tử? Hoang mang trước lời hù dọa, gia đình Nguyễn Tấn Đời cấp tốc gom góp đồ đạc cho ông trốn lên Sài Gòn.
Tại Sài Gòn, không tiền bạc, không người thân thích, hàng ngày Nguyễn Tấn Đời lân la khắp nơi tìm kiếm việc làm, đêm đến thì ngủ ngoài hàng hiên một ngôi nhà ở đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng, quận 3). Người chủ nhà thấy thương tình nên không nỡ đuổi đi, thậm chí còn “tặng” ông một chiếc ghế bố. Đây là kỷ niệm khó quên trong khoảng thời gian hàn vi của Nguyễn Tấn Đời, cũng chính vì thế mà sau này khi làm ăn khấm khá ông quyết định mua một căn biệt thự trên con đường này để ở.
>> Xem thêm: Nguyễn Tấn Đời trở thành ông 'vua' cao ốc miền Nam
Lang thang vạ vật ăn bờ ngủ bụi một thời gian Nguyễn Tấn Đời được một người bạn giới thiệu vào làm sổ sách cho một hãng buôn của người Pháp. Nhưng vốn là người không thích ngồi một chỗ, ông bỏ công việc nhàm chán này và chọn nghề môi giới để kiếm cơm. Ban đầu ông giao thiệp với các hãng lớn tại Sài Gòn như Descour Cabaud, Denis Frères, Biderman… với đủ loại mặt hàng, dần dần ông tập trung “chuyên môn” vào hai loại chính là vật liệu xây dựng và vải vóc.
Không ngờ nghề “buôn nước bọt” này đã giúp Nguyễn Tấn Đời giàu lên rất nhanh, trở thành một nhà môi giới có tiếng, đi lại bằng xe hơi sang trọng. Khi có vốn liếng, Nguyễn Tấn Đời quay sang một công việc khác: buôn bán tiền Pháp. Nghề này đòi hỏi phải có vốn lớn và gan cũng lớn vì thời điểm ấy đồng tiền không ổn định, thị trường rất bấp bênh, hên thì giàu to, xui thì… ra tro. Và thất bại đã chọn đúng Nguyễn Tấn Đời.
Năm 1949, ông lỗ trắng tay, đến nỗi phải bán cả xe hơi để trả nợ. Chán nản, ông định quay trở về nghề môi giới để làm lại từ đầu, nhưng rồi ông cảm thấy nghề này có phần hơi ác đức, khó mà vững bền nên quyết định chuyển sang một nghề hoàn toàn mới: mở Hãng gạch ngói Đời Tân.
Thời gian sang Campuchia lùa bò thuê cho Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Tấn Đời đã tìm hiểu và có chút kiến thức về công việc làm gạch ngói, hơn nữa máy móc bên Campuchia nhiều hãng bị dư thừa nên họ bán với giá rất rẻ. Nghề môi giới trước đây cũng giúp ông có khá nhiều kinh nghiệm trong việc buôn bán vật liệu xây dựng và biết những thợ người Triều Châu làm gạch ngói rất giỏi. Hội đủ những yếu tố cần thiết, gom góp tiền bạc và đi vay thêm bạn bè, ông lập xưởng sản xuất gạch ngói tại số nhà 321 Bến Bình Đông, Chợ Lớn.
Nguyễn Tấn Đời (ngồi giữa) cùng Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ.
Là một ông chủ hãng nhưng hàng ngày Nguyễn Tấn Đời cứ lóc cóc đạp xe đến từng ngôi nhà đang xây để chào hàng. Thậm chí, lúc giao gạch ngói, ông tự mình leo lên mái nhà căng dây lẩy mực rồi cùng thợ lợp ngói ngon lành. Đến khi lát gạch nền cũng thế, ông xắn tay vào làm thành thạo như một người thợ nhà nghề.
Tuần nào ông cũng tới Tòa Đô chánh Sài Gòn - Chợ Lớn tìm xin địa chỉ những nhà đang xin phép xây dựng để đến tận nơi chào hàng. Ông chịu khó đến nỗi nhà ở Bình Đông, Chợ Lớn, mà cứ sáng sáng đạp xe sang tận trung tâm Sài Gòn giao hàng và thu tiền. Trưa đến thì vào công viên tìm một chiếc ghế đá trống để ngả lưng. Đến xế chiều, ông lại lọc cọc đạp xe về tận Bình Đông.
Với cách làm như thế, chỉ hai năm sau, doanh thu của xưởng gạch ngói Đời Tân vượt lên dẫn đầu thị trường vật liệu xây dựng. Nguyễn Tấn Đời còn sang tận Pháp, đến Guillon Barthelemy để học hỏi công nghệ làm gạch ngói của người Pháp. Từ đó mẫu mã và chất lượng sản phẩm của ông chinh phục được hầu hết khách hàng, nơi nơi đều ưa chuộng. Hãng gạch ngói Đời Tân trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh, cung cấp cho thị trường từ Sài Gòn, miền Đông cho đến cả miền Tây Nam Bộ.
HƯƠNG LINH - VNEXPRESS